Tôi thích tìm hiểu, về nhiều chủ đề. Nhưng cũng chưa có cái nào đủ sâu sắc kiểu để vỗ ngực là chuyên gia. Thi thoảng, tôi phát hiện ra điều gì đó, áp dụng vào bản thân, thấy hay. Và thế là tôi tự hào về lĩnh vực đó, mặc dù so ra thì chẳng bằng ai.
Tôi thích chữ nghĩa, mặc dù hồi đi học học văn dở tệ. Nhưng tôi thích đọc, thích truyện, thích tưởng tượng. Lớn lên, thì hiểu được vai trò của chữ nghĩa: từ việc viết thư tình, viết đơn từ rồi về sau là đăng status. Tôi có những thành công nho nhỏ của bản thân về việc dùng từ ngữ để thu hút sự chú ý, tạo dựng hình ảnh. Và thế là tôi càng thích thú với từ ngữ, chữ nghĩa, thích tìm hiểu về nguồn gốc, quan sát về thói quen sử dụng … Tiếng Việt là thứ ngôn ngữ kỳ diệu. Kiểu nó có rất nhiều góc cạnh: nguồn gốc Á đông, nhưng mặt ngoài Latin, vừa có chút rám nắng sóng nước của miền Đông Nam Á, vừa có chút thảo nguyên núi cao của Trung Hoa. Nó phản ánh lịch sử, con người của vùng đất Việt, và là đại diện cho nền văn hóa.
Mà thôi mấy cái đấy to tát quá, rút về đời thường đi. Việc chọn lừa từ ngữ để truyền đạt được đúng vấn đề, góc nhìn nó rất quan trọng. Cùng là một sự việc, nhưng có nhiều cách nhìn nhận. Mỗi cách nhìn, sẽ có cách dùng từ diễn đạt khác nhau. À tôi không nói về việc nói hay viết ra nhé, tôi nói về cách dùng từ ngữ trong đầu mình. Cách mình suy nghĩ, thi triển vấn đề ý. Có thông tin truyền đến bạn, bạn đón nhận (bằng cách nhìn trực tiếp, hoặc nghe, đọc văn bản), và bạn sẽ đánh giá vấn đề – tức là chọn từ ngữ để ghim vào đầu mình kèm sự kiện này. Và mục đích là gì, tìm được từ ngữ có nghĩa phản ánh đúng cách hiểu của mình nhất. Nó sẽ tự nẩy ra, theo phản xạ của tư tưởng. Nhưng trong một số tình huống, từ nẩy ra đó chưa chuẩn, nghĩ thêm thấy từ khác mới đúng.
Thêm từ ngữ, là thêm góc nhìn. Càng nhiều góc nhìn, càng tăng khả năng có một góc nhìn gọi là đúng đắn, hoặc là thêm lựa chọn để chọn góc ta thấy là tốt nhất. Đấy, làm dầy vốn từ, hoặc tìm hiểu sâu về từng từ, nó tăng sức mạnh tư tưởng lắm.
Ơ thế việc tìm hiểu về bản chất vấn đề, nó có giống thiền không? Nói về thiền thì tôi cũng chỉ là tay mơ. Tôi biết khái niệm đó, tôi có một số trải nghiệm, tôi có đọc qua chút sách, tài liệu và trao đổi với một số người bạn. Tôi thích tư tưởng, và thích tự áp dụng theo cách bản thân thấy thích. Thiền có cái hay, là nó hướng con người ta cách tư duy. Với tôi nó không phải là phương pháp, nó là trạng thái. Nó là thứ con người ta đạt được, chứ không phải là thi triển. Trạng thái thiền, là khi ta thật sự nhập tâm với cơ thể, để có cảm giác tường tận. Và để có cảm giác đó, người ta có nhiều phương pháp. Ơ mà hình như viết lệch sang mấy cái kiểu tỉnh thức ý nhể. Thôi kệ, đằng nào cũng chỉ lấy ra để minh họa cho việc hiểu về từ ngữ, nó hay ho, nó ảnh hưởng lớn như thế nào thôi.
Chữ nghĩa, nó thiền vô cùng.